%
Tờ South China Morning Post hôm 14/2 cho biết nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Science trong tuần này vừa cho hay các thành phố ven biển gây ô nhiễm nặng nề của Trung Quốc thải ra khoảng từ 1,3 triệu đến 3,5 triệu tấn rác mỗi năm. Số lượng rác thải nhựa từ Trung Quốc chiếm gần 30% tổng số rác...%
Trung Quốc thải ra gần 1/3 rác thải nhựa trên toàn thế giới sửa đổi bổ sung năm 2014
Tờ South China Morning Post hôm 14/2 cho biết nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Science trong tuần này vừa cho hay các thành phố ven biển gây ô nhiễm nặng nề của Trung Quốc thải ra khoảng từ 1,3 triệu đến 3,5 triệu tấn rác mỗi năm. Số lượng rác thải nhựa từ Trung Quốc chiếm gần 30% tổng số rác thải nhựa của 192 quốc gia tiếp giáp với biển trên toàn thế giới, vốn được ước tính là khoảng 8 triệu tấn mỗi năm.
Một nhà nghiên cứu làm việc với các tổ chức môi trường ở Trường đại học Tự nhiên Bắc Kinh cho hay bà không ngạc nhiên trước kết quả nghiên cứu trên. “Rác thải nhựa, gồm túi nhựa mỏng hoặc hộp xốp bằng nhựa không thể tái chế được đốt trực tiếp hoặc vứt xuống các nguồn nước trước khi trôi ra biển. Điều này rất phổ biến ở các vùng nông thôn Trung Quốc”, South China Morning Post dẫn lời nhà nghiên cứu trên.
Hồi năm 2008, Trung Quốc đã ra lệnh cấm sử dụng các túi ni lông không có khả năng tái chế, nhưng sau đó bỏ lệnh cấm này vào năm 2013 vì suốt 5 năm thi hành, nó hầu như không hiệu quả. Ngay trong giai đoạn lệnh cấm còn có hiệu lực, nước này vẫn sản xuất mỗi năm 15 tỉ tấn hộp ăn trưa dùng một lần.
Mặt khác, Trung Quốc cũng là nước đứng đầu thế giới về việc nhập khẩu rác thải nhựa. Phần lớn rác thải này đến từ Mỹ và một phần rác thải còn được nhập lậu. Tại một số vùng của Trung Quốc, tái chế nhựa thải là một công việc đem lại lợi nhuận cao, ông Wang Jiuliang - đạo diễn phim tài liệu nhiều năm theo dõi vấn đề rác thải của nước này, cho hay.
Nghiên cứu trên do các giáo sư thuộc Trường đại học Georgia (Mỹ) thực hiện. Ngoài Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Philippines, Sri Lanka, Thailand, Malaysia và Bangladesh là các quốc gia có lượng rác thải nhựa ra môi trường lớn nhất châu Á.
Việc thiếu hệ thống thu gom và xử lí rác thải là một trong những nguyên nhân khiến các nước đang phát triển là nguồn gốc chủ yếu của rác thải nhựa toàn cầu. Nghiên cứu trên cũng dự báo sẽ có hơn 9 triệu tấn rác thải nhựa được đổ ra biển trong năm 2015.
Theo Thanh Niên.